Bên lề buổi giới thiệu về Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ 2022 – Vietnam Wood 2022 ngày 5/10, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), chia sẻ 9 tháng, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4%.
Riêng tháng 9, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 1,25 tỷ USD, giảm 11% so với tháng 8 nhưng tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 808 triệu USD, giảm 9% so với tháng 8, nhưng tăng 89% so với tháng 9/2021.
Ông Phương dự báo trong ba tháng cuối năm, mỗi tháng kim ngạch có thể đạt 1,5 tỷ USD. Như vậy, quý IV có thể đạt khoảng 4,5 tỷ USD, nâng lũy kế cả năm lên 16,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.
Ngành sản xuất Việt Nam nói chung và ngành gỗ đang ở cấp độ sản xuất có giới hạn (limited manufacturing)
Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đề cập hiện nay, nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Ông Phương đề cập một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều thiết bị đang sử dụng có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay. Sử dụng cơ khí trong các nhà máy gỗ hiện nay đã ở mức phổ biến nhưng tự động hóa vẫn còn một bước dài. “Một số doanh nghiệp đã tiến tới được nhà máy thông minh”, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn về Chiến lược Khách hàng và Chuỗi cung ứng KPMG Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện ngành sản xuất hội nhập toàn cầu. Theo ông Phúc, ngành sản xuất và ngành gỗ nói riêng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu gồm 4 cấp độ.
Cấp độ thứ nhất là hàng hóa (commodities). Mặt hàng xuất khẩu của các nước ở giai đoạn này trải dài khắp chuỗi giá trị và đóng vai trò là đầu vào cho ngành sản xuất của các quốc gia khác.
Cấp độ hai là sản xuất có giới hạn (limited manufacturing), nghĩa là các quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và có sản phẩm đầu ra đòi hỏi độ phức tạp thấp về kỹ thuật.
Cấp độ ba là sản xuất và dịch vụ tiên tiến (advanced manufacturing & services). Khi ở cấp độ này, các quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất tiên tiến đòi hỏi khả năng về sản xuất phức tạp, mạng lưới cung ứng, thiết kế và đổi mới, ứng dụng công nghệ.
Cấp độ bốn là đổi mới sáng tạo (innovative activities). Đến cấp độ này, các nước ở giai đoạn phát triển và sáng tạo trong chuỗi giá trị toàn cầu dành một phần lớn GDP cho nghiên cứu và phát triển và nhận phần lớn GDP từ sở hữu trí tuệ.
Theo ông Phúc, ngành sản xuất của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng đang ở mức hai. Việt Nam đang phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các ngành sản xuất tham gia chủ yếu vào giai đoạn cuối quy trình sản xuất, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kĩ thuật thấp.
Ông Phúc cho rằng khi ngành sản xuất hội nhập toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận cao hơn đến từ các sản phẩm và công đoạn sản xuất phức tạp hơn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, năng lực sản xuất và quản lý cao. Việc chuyển đổi lên một giai đoạn cao hơn còn mở ra cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp để phát triển hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng và mở rộng khả năng thâm nhập thị trường thông qua việc đa dạng hóa nền kinh tế sang các ngành công nghiệp mới hoặc kế cận.
#damgo #woodchips #viennen #pallet
Theo: CafeBiz